Cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục đại học

Cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục đại học

31/05/2018
Lượt xem: 753

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Tờ trình và báo cáo thẩm tra đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đại học; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học.

Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung 13 điều liên quan đến tự chủ đại học nhằm tạo điều kiện cho các  cơ sở giáo dục đại học phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Luật cũng đưa vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là quy hoạch ngành quốc gia nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao và nhu cầu học tập của nhân dân.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung những điều khoản tập trung vào cơ cấu tổ chức của các trường Đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò của Hội đồng trường trong việc quyết định tiêu chuẩn Ban giám hiệu, chủ trương về thu chi tài chính…

 Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Theo dự kiến, chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019 gồm 18 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, vẫn còn nhiều dự án Luật cần đưa vào chương trình nhưng Chính phủ chưa trình vì vậy Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát để đưa vào nội dung của các kỳ họp trong năm 2019.  

Các đại biểu cũng kiến nghị quy định rõ vai trò của đoàn ĐBQH các địa phương trong công tác tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, của nhân dân và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật, tránh tình trạng luật mang tính hình thức hoặc vừa ra đời đã nhận được phản ánh không tốt của xã hội.

Các đại biểu cũng kiến nghị ban soạn thảo của mỗi dự án luật cần có trách nhiệm dự báo, thẩm định tác động xã hội của luật, đồng thời xây dựng song hành các thông tư, nghị định hướng dẫn, tránh tình trạng Luật ra đời nhưng không thể triển khai gây vướng mắc trong thời gian giao thoa giữa luật mới và luật cũ.

Chiều 30/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.