Cần rà soát các phương án phòng chống thiên tai tại các công trình thủy lợi
Theo dự báo, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng gia tăng. Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương đã tích cực kiểm tra, sửa chữa lại các công trình thủy lợi, huy động mọi nguồn lực chủ động chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai.
Tại kênh tiêu Bình Hoà, TX. Thuận An, hiện nay do quá trình phát triển kinh tế xã hội, đô thị hoá, nên lưu vực thoát nước đã có nhiều thay đổi, lượng nước tiêu thoát trong khu vực tăng lên làm cho khả năng tiêu thoát của kênh chỉ đạt 25% nhu cầu tiêu thoát nước thực tế. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện khảo sát, theo trình tự về quản lý thì dự kiến việc thi công sẽ triển khai vào tháng 3-2019. Thêm vào đó, các công trình trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát, dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chậm tiến độ triển khai do nhiều nguyên nhân… đã khiến cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ năm 2018 gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện nay, qua công tác nắm tình hình, hầu hết các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản đảm bảo công tác vận hành, điều tiết nước, nhất là các hồ chứa vẫn đảm bảo an toàn quy trình vận hành, an toàn công trình trong mọi tình huống. Song, trước diễn biến thời tiết bất thường, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, khiến cho việc tiêu thoát nước và chống ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có lúc có nơi bị động. Bằng chứng là ngập úng đô thị, ngập úng cục bộ gia tăng. Theo thống kê, trong năm 2017 vừa qua, toàn tỉnh có 256 mét bờ rạch, bờ suối và đê bao bị bể, sạt lở; 5470 mét bờ suối rạch bị tràn; hơn 4000 căn nhà bị ngập…Riêng năm 2018, qua khảo sát, một điều đáng lưu tâm là mực nước sông Sài Gòn tiếp tục tăng cao so với nhiều năm, kết hợp cùng mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị bể bờ, nước tràn, ngập gần 2 km đường giao thông.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ảnh hưởng con nước triều cường lên xuống thất thường, khả năng ngập úng cục bộ tại Bình Dương vẫn là rất cao, kèm theo đó những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Việc tăng cường chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tu sửa công trình thủy lợi, xây dựng phương án chống ngập để phòng tránh thiên tai là điều hết sức cần thiết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão có thể xảy ra.